Giáo dục đào tạo “kiểu mới” trong năm 2017 sẽ được đầu tư mạnh

Đăng bởi admin | 21/01/2017 | 1798 Lượt xem

Ngành giáo dục năm 2016 khép lại với nhiều ấn tượng khó phai như: kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 gọn nhẹ và đổi mới kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng; dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017 được ban hành, thời gian đào tạo đại học được rút ngắn còn 3 năm; đề án ngoại ngữ 9.000 tỷ đồng không đạt mục tiêu; điều chỉnh Thông tư 30 và ban hành thông tư 22 về quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Và đặc biệt, sau nhiều năm vắng bóng, năm 2016 nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã giới thiệu những mô hình giáo dục đào tạo kiểu mới với ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Năm 2016, đã có 70 dự án vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục đào tạo ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 47 triệu USD. Đây là một tín hiệu vui cho ngành giáo dục và đào tạo.

Điển hình cho xu hướng này là việc Tập đoàn giáo dục hàng đầu Hàn Quốc Chungdahm và Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup ký kết hợp tác chiến lược về việc đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam. Theo đó, Chungdahm sẽ đầu tư 10 triệu USD vào ứng dụng công nghệ phục vụ giáo dục, giúp trẻ em Việt Nam từ 6-14 tuổi tiếp cận với phương pháp học mới phù hợp với đặc trưng của trẻ em châu Á, để thế hệ trẻ Việt Nam làm chủ tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng mẹ đẻ.

Trước đó, dự án tiếng Anh Apax English là thành quả bước đầu của sự hợp tác giữa hai tập đoàn này. Sau một năm hoạt động, Apax English đã khai trương 15 trung tâm tại Hà Nội với hơn 12.000 học viên đang theo học và bắt đầu mở chuỗi trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2016.

Không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập mạnh mẽ vào mảng giáo dục đào tạo. Ở trong nước, nhiều “đại gia” khác hoạt động ngoài lĩnh vực đã chuyển hướng đầu tư vào giáo dục hay các Start-up về giáo dục theo công nghệ mới của người Việt cũng nở rộ như một số dự án học trực tuyến thu hút đông đảo người theo học.

Các chuyên gia về giáo dục đào tạo dự báo rằng, trong năm 2017, ứng dụng công nghệ vào chương trình giảng dạy và đào tạo sẽ lên ngôi, nhất là mảng ứng dụng di động. Đồng thời, năm 2017 sẽ tiếp tục chứng kiến các công ty khởi nghiệp cho ra những sản phẩm mới về giáo dục.

Rất có thể, dự án “xông đất” trong lĩnh vực này trong năm nay sẽ là dự án của SK Telecom (thuộc Tập đoàn SK, một trong 3 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc) đưa chương trình trường học dạy lập trình bằng robot thông minh vào Việt Nam, hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục với Egroup.

Trong năm 2017, những dự án dạy tiếng Anh theo công nghệ mới của Chungdahm, hay dạy lập trình bằng robot thông minh của Egroup lại có dịp “đọ sức” với Bigschool của TS. Lê Thống Nhất hay FUNiX - Đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam của ông Nguyễn Thành Nam, Cựu CEO của FPT…

Trong “cuộc đua” hướng tới cung cấp những phương pháp, công nghệ dạy và học mới dự báo nở rộ trong năm nay, người hưởng lợi trực tiếp sẽ là học sinh, sinh viên Việt Nam, được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại nhất, hiệu quả nhất của thế giới.

Dự báo năm 2017 cũng sẽ là năm nở rộ các hình thức hợp tác, xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ. Tại Hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần tạo môi trường học ngoại ngữ như hình thành các câu lạc bộ ngoại ngữ để học sinh, sinh viên và người đi làm có nhu cầu học tiếng Anh có thể tham gia. Phải thúc đẩy phòng trào toàn dân học tiếng Anh để việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực đối với người học. Cần xây dựng hệ thống học liệu hỗ trợ như hệ thống các clips ngắn đưa trên mạng để giáo viên và người học có thể tiếp cận trực tuyến. Tăng cường đưa công nghệ vào hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để nâng cao được trình độ tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh đòi hỏi nguồn chi phí lớn và dài hạn. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dựa vào ngân sách thì sẽ thất bại ngay từ đầu, theo đó, sẽ tập trung đầu tư vào những vấn đề cốt lõi, đặc biệt cần xã hội hoá giáo dục để khuyến khích tính chủ động trong học tập, nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ.

Với những động thái nêu trên, hy vọng rằng, năm 2017 sẽ có một thay đổi lớn trong dạy và học. Làn gió mới về xu hướng đưa công nghệ vào giáo dục tiên tiến trên thế giới sẽ thổi vào thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam tác động tích cực vào tri thức, sự phát triển trí tuệ, phát huy được tố chất và óc sáng tạo của một thế hệ mới.

DuongThuy